Chăm sóc sức khỏe tinh thần khi bước vào giai đoạn lão hóa: Bí quyết sống vui, sống khỏe
04/03/2025
Khi tuổi tác tăng lên, cơ thể và tâm trí của chúng ta phải trải qua nhiều thay đổi, thậm chí có thể gọi là “khủng hoảng”. Việc duy trì sức khỏe tinh thần khỏe mạnh khi bước vào giai đoạn lão hóa sẽ giúp người cao tuổi tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.
1. Vấn đề sức khỏe tinh thần thường gặp khi bước vào giai đoạn lão hóa
Giai đoạn lão hóa của con người là một quá trình phức tạp, diễn ra dần dần, không có một mốc cố định nào để xác định.
Tuy nhiên, ở độ tuổi khoảng 30-40, các bộ phận trong cơ thể bắt đầu có dấu hiệu lão hóa nhưng chưa có sự thay đổi rõ rệt. Tuổi 40 trở đi, chúng ta bắt đầu cảm nhận rõ ràng hơn. Cho đến tuổi 60, đây là giai đoạn mà sự lão hóa biểu hiện rõ rệt nhất.
Khi bước vào độ tuổi lão hóa, những vấn đề sức khỏe tinh thần có chiều hướng phát sinh nhiều hơn, cụ thể là:
1.1 Lo âu
Càng có tuổi, người già càng suy nghĩ, lo âu nhiều hơn. Đa phần họ đều có tâm lý lo lắng cho sức khỏe, sợ bệnh tật, sợ làm phiền con cái, lo lắng về tài chính…
Ngoài yếu tố tâm lý, tình trạng lo âu có thể do mắc bệnh lý rối loạn lo âu, di truyền hay tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Các triệu chứng dễ gặp của lo âu là căng thẳng, bồn chồn, bất an quá mức; khó tập trung, dễ cáu gắt, tim đập nhanh…
1.2 Trầm cảm
Trầm cảm là vấn đề sức khỏe tâm thần khá phổ biến ở người cao tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt là sự mất mát người thân, bạn bè, cảm thấy mình bị cô lập giữa gia đình, xã hội, không còn vai trò, tiếng nói… Bệnh tật ập đến, sức khỏe suy giảm cũng có thể là lý do gây trầm cảm.
Các dấu hiệu trầm cảm dễ nhận biết là buồn bã, mất dần hoặc không còn hứng thú với cuộc sống, công việc, khó tập trung, dễ kích động, thường xuyên nghĩ về cái chết và ý định làm hại bản thân…
1.3 Cảm thấy cô đơn, buồn chán
Đây là một trong những tình trạng tinh thần ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống, sức khỏe của con người trong giai đoạn lão hóa.
Khi về già, đa số chúng ta sẽ không còn đảm nhiệm những công việc như thời trẻ. Cuộc sống trở nên an nhàn nhưng cũng tẻ nhạt hơn. Con cái có thể cũng không có nhiều thời gian trò chuyện, chăm sóc. Vì thế nhiều người cảm thấy cô đơn, buồn chán, không có kết nối với xung quanh.
1.4 Nhận thức suy giảm
Khi ta già đi, chức năng não bộ suy giảm dẫn đến nhận thức chậm hơn, trí nhớ kém… Các bệnh liên quan đến lão hóa như Alzheimer cũng ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy và khả năng tự phục vụ của người già.
2. Tinh thần kém ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, cuộc sống?
Tinh thần và thể chất tưởng chừng là 2 phạm trù riêng biệt. Tuy nhiên cả 2 lại có quan hệ mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau. Tinh thần bất ổn có thể khiến người già gặp phải các vấn đề sau:
- Hệ miễn dịch suy yếu: Tinh thần kém có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến người già dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
- Bệnh tim mạch: Căng thẳng, lo âu kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao.
- Rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể: Người già có tinh thần kém thường khó ngủ, dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Giảm chất lượng cuộc sống: Tinh thần kém khiến người già không còn hứng thú tham gia các hoạt động yêu thích, giảm tương tác xã hội, dẫn đến chất lượng cuộc sống suy giảm.
3. Chăm sóc sức khỏe tinh thần khi bước vào giai đoạn lão hóa
Chăm sóc sức khỏe tinh thần khi bước vào giai đoạn lão hóa là một phần thiết yếu để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia tâm lý:
3.1 Tăng cường kết nối gia đình, bạn bè, xã hội
Đây là một trong những hoạt động cần thiết giúp người già duy trì trạng thái tinh thần cân bằng, ổn định. Về phía người thân, nên dành thời gian trò chuyện, hỏi han về cuộc sống, sức khỏe, sở thích của người cao tuổi. Lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nỗi niềm của họ. Bản thân người già cũng cần chủ động kết nối với con cháu, gia đình; không nên quá cầu toàn, khó tính.
3.2 Ưu tiên các hoạt động xã hội, thư giãn, giải trí
Gia đình nên khuyến khích, bản thân người già cũng nên chủ động tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm lành mạnh, phù hợp với sở thích, nhu cầu cá nhân. Thường xuyên gặp gỡ, giao lưu bạn bè, người thân; tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng.
Con cháu cũng nên tạo điều kiện để người già kết nối, duy trì liên lạc với người thân, bạn bè ở xa bằng cách hướng dẫn họ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để gọi điện video, nhắn tin, truy cập mạng xã hội…
3.3 Tăng cường thể dục thể thao
Để tinh thần sảng khoái, minh mẫn, trong giai đoạn lão hóa, nên dành nhiều thời gian cho các hoạt động thể chất như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga… Người cao tuổi cũng có thể làm vườn, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn… để cảm thấy mình vẫn bận rộn, không hề “vô dụng”.
3.4 Duy trì hoạt động trí tuệ
Việc duy trì các hoạt động trí tuệ như đọc báo, đọc sách, chơi cờ, học ngôn ngữ… giúp người già cấp nhật thông tin hữu ích và giải trí. Đây cũng là cách giúp não bộ hoạt động, duy trì sự minh mẫn.
3.5 Tạo không gian sống thoải mái
Không gian sống của người già nên được ưu tiên rộng rãi, thoáng đãng, có ánh sáng tự nhiên. Đồ đạc cần sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng trong một không gian riêng tư. Nên trưng bày các món kỷ vật, những bức ảnh lưu niệm để tạo cảm giác ấm cúng.
3.6 Dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh
Dinh dưỡng đầy đủ giúp người già có sức khỏe tốt. Đây là nền tảng quan trọng giúp tinh thần thư thái, yên tâm.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất như đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đường, muối…
Đặc biệt, trong giai đoạn lão hóa, nên bổ sung các thảo dược tự nhiên như nhân sâm, đông trùng hạ thảo, lộc nhung… để bồi bổ, tăng cường sức khỏe, gia tăng sức để kháng. Khi có sức khỏe thể chất tốt, sức khỏe tinh thần của người già cũng sẽ được nâng cao.