Bí quyết phát hiện ung thư cổ tử cung sớm và phòng ngừa chủ động
29/03/2025
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và có biện pháp phòng ngừa chủ động thì căn bệnh này có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả.
1. Ung thư cổ tử cung là gì? Những con số “biết nói”
Ung thư cổ tử cung (tiếng Anh là Cervical Cancer) là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô lát hoặc tế bào biểu mô ở cổ tử cung phát triển bất thường, dẫn đến hình thành các khối u trong cổ tử cung.
Các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát và có thể xâm lấn, tác động đến các cơ quan xung quanh nếu không được can thiệp kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến thứ 4 ở nữ giới. Trên thế giới ước tính có khoảng 604.127 ca mắc mới vào năm 2020, chiếm 6,5% tổng số ca ung thư ở phụ nữ toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung là 6,6 trên 100.000 phụ nữ. Trung bình mỗi năm có hơn 5.100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới và khoảng 2.400 phụ nữ tử vong do căn bệnh này.
2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư CTC
Theo các chuyên gia y tế, những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư CTC ở chị em:
- Nhiễm HPV: Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu.
- Quan hệ tình dục sớm: Quan hệ tình dục trước 18 tuổi hoặc có nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Phụ nữ bị HIV/AIDS hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao hơn.
- Tiền sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình mắc ung thư cổ tử cung, bạn cũng có nguy cơ cao hơn.
3. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung
Khi gặp các dấu hiệu bất thường sau đây, chị em nên cảnh giác vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung:
- Chảy máu âm đạo bất thường: Tình trạng chảy máu có thể xảy ra ở giữa các kỳ kinh nguyệt, sau khi QHTD, ra máu khi đã mãn kinh…
- Dịch âm đạo bất thường: Dịch ra nhiều, có mùi tanh hôi và màu sắc khác lạ.
- Đau bụng dưới: Đau khi quan hệ hoặc đau âm ỉ, dữ dội vùng xương chậu.
- Đau thắt lưng: Đây là khu vực gần cổ tử cung và có thể bị các khối u xâm lấn gây đau.
- Bất thường tiểu tiện: Tiểu nhiều, tiểu rắt, tiểu buốt hoặc mất tự chủ…
- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ không đều hoặc kéo dài.
- Các dấu hiệu sức khỏe khác: Mệt mỏi thường xuyên, sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt nhẹ hoặc sốt cao, phù nề…
4. Cần làm gì để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung?
Bên cạnh việc theo dõi các dấu hiệu bất thường, những kỹ thuật y khoa sau đây sẽ giúp bạn phát hiện sớm và chính xác ung thư CTC nói riêng và các vấn đề phụ khoa nói chung:
- Xét nghiệm Pap smear: Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này giúp phát hiện các tế bào bất thường ở cổ tử cung trước khi chúng phát triển thành ung thư.
- Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm này giúp phát hiện sự hiện diện của virus HPV trong cổ tử cung.
- Khám phụ khoa định kỳ: Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường ở cổ tử cung và các vấn đề sức khỏe phụ khoa khác.
5. Biện pháp phòng ngừa chủ động ung thư CTC
Các biện pháp phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng, giúp bạn chủ động kiểm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả. Dưới đây là những điều cần làm:
5.1 Tiêm chủng đầy đủ
Tiêm chủng vác-xin HPV đầy đủ là biện pháp tiên quyết giúp bảo vệ phụ nữ khỏi sự tấn công của virus này. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ung thư CTC. Vì vậy, muốn phòng bệnh, cần tiêm phòng trong độ tuổi từ 9-26 tuổi, tốt nhất trước khi quan hệ lần đầu.
5.2 Tình dục an toàn
Tình dục là con đường lây nhiễm HPV phổ biến nhất. Vì vậy, cần tình dục an toàn bằng cách mang bao cao su, chung thủy một bạn tình và tránh quan hệ quá sớm.
5.3 Ngừng hút thuốc lá
Theo nghiên cứu, phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư CTC cao hơn nhiều so với người không hút thuốc. Hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng HPV. Vì vậy, bỏ thuốc lá là một trong những biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ ung thư CTC.
5.4 Ăn uống lành mạnh
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ béo.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất: Các vitamin A, C, E và axit folic có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung.
5.5 Thể dục, thể thao thường xuyên
Thể dục thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ chống lại những vi khuẩn, virus có hại. Thể thao cũng giúp duy trì cân nặng hợp lý, tinh thần thư giãn, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh, trong đó có ung thư.
5.6 Khám phụ khoa định kỳ
Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư CTC ở giai đoạn sớm. Ung thư nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu thì việc điều trị sẽ hiệu quả nhất và đỡ tốn kém nhất.
Chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ ít nhất mỗi năm một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.